PamperMe Việt Nam
Leave this field blank

Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh khỏe mạnh trong năm đầu tiên

Cẩm nang, Chăm sóc trẻ

Từ khi mới chào đời đến lúc tròn một tuổi là một giai đoạn trẻ sơ sinh có sự phát triển khá nhanh, thay đổi theo từng tháng tuổi. Ba mẹ cần lưu ý tìm hiểu thông tin thật kỹ quá trình phát triển của trẻ sơ sinh để chăm sóc bé đúng cách.

Có nhiều ba mẹ lần đầu có con sẽ không tránh khỏi sự bối rối và lo lắng khi nuôi dưỡng bé yêu. Vạy nên hãy cùng PamperMe khám phá cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh chi tiết theo từng tháng tuổi để có thêm các kiến thức bổ ích ba mẹ nhé!

1. Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Giai đoạn 1 tháng tuổi là thời điểm rất nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Trẻ vừa chào đời phải đối mặt ngay với sự thay đổi môi trường đột ngột từ cơ thể của mẹ sang môi trường bên ngoài. Do đó, trong thời gian này ba mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ theo từng tuần tuổi để bảo vệ sức khỏe của con

1.1. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Trong 7 ngày đầu đời, điều quan trọng nhất là bé cần được giữ ấm. Nhiệt độ môi trường bên ngoài thấp hơn nhiều so với trong bụng mẹ nên bé cần được duy trì thân nhiệt ấm áp rồi cơ thể mới từ từ làm quen dần.

Trẻ bị nhiễm lạnh sẽ dễ dẫn đến viêm phổi hoặc bị vi khuẩn tấn công làm trẻ nhiễm bệnh. Phương pháp tiếp xúc da kề da là cách giúp trẻ luôn ổn định thân nhiệt và có tác dụng kết nối tình cảm mẹ con vô cùng hiệu quả. 

Ở giai đoạn này, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Trẻ cần được bú sữa non để có đủ dưỡng chất và gia tăng sức đề kháng tốt nhất. Nếu mẹ chưa về sữa hoặc sữa về ít thì có thể dùng sữa công thức theo chỉ định của bác sĩ.

Giữ ấm cho trẻ sơ sinh

Giữ ấm cho trẻ sơ sinh là điều rất quan trọng mà ba mẹ cần chú ý ở giai đoạn này

Trong tuần đầu tiên bé có thể bị sụt cân nhẹ so với lúc mới sinh, hiện tượng này là bình thường. Nguyên nhân là do khi ở trong bụng mẹ bé được cung cấp dinh dưỡng ổn định qua rốn.

Khi chào đời, bé lại bú sữa và tự tiêu hoá để cung cấp dinh dưỡng. Do đó, cần một khoảng thời gian nhất định để hệ tiêu hoá của bé phát triển. Khi bé có thể bú nhiều hơn thì cân nặng ổn định trở lại.

Ngoài ra, một số trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi sẽ có các biểu hiện như đi phân su, vàng da,.. Những biểu hiện này thường sẽ dần ổn định khi bé lớn lên, vì vậy ba mẹ không cần quá lo lắng.

1.2. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

Sinh hoạt của bé ở tuần tuổi thứ hai về cơ bản khá giống tuần đầu tiên. Tuy nhiên, từ tuần thứ 2 bé đã có thể tăng cân trở lại nhờ sự ổn định dần của hệ tiêu hoá và bú sữa nhiều hơn. Mẹ nên chủ động cho bé bú 2 – 3h/ lần. Điều này vừa đảm bảo bé được ăn no, vừa kích thích sữa mẹ nhiều và chất lượng hơn. 

Hoạt động của bé vẫn xoay quanh việc ngủ, bú sữa và đi vệ sinh. Ba mẹ vẫn lưu ý giữ ấm cho bé đầy đủ. Chú ý chăm sóc vùng dây rốn để mau rụng hơn.

Trẻ sơ sinh trong 1 – 2 tuần tuổi nên tắm khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần với nước ấm, bằng phương pháp tắm bọt biển hoặc từng phần. 

Khi 2 tuần tuổi tình trạng vàng da sẽ giảm dần đi. Nhưng nếu ba mẹ nhận thấy tình trạng này không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn thì nên đưa bé đi thăm khám. 

1.3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tuần tuổi

Bước sang tuần tuổi thứ 3, ba mẹ sẽ phấn khích khi nhìn thấy sự phát triển rõ rệt của bé. Hệ cơ và xương phát triển giúp chuyển động của bé linh hoạt hơn. Bé đã biết huơ huơ tay, phản xạ nhìn. Giai đoạn này nhận thức của bé phát triển hơn nên bé sẽ thích được chơi đùa, nhìn biểu hiện của ba mẹ ở khoảng cách gần.

Khi đặt bé nằm sấp, bé có thể tự nâng đầu lên góc 45 độ. Ba mẹ nên cho bé nằm sấp nhiều lần trong ngày, khoảng 5 – 10 phút/ lần để cải thiện tình trạng bị bẹp đầu khi nằm ngửa quá lâu.

1.4. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi

Ở tuần tuổi thứ 4, bé phản xạ âm thành một cách rõ ràng hơn. Ví dụ như bị giật mình bởi tiếng ồn, chăm chú quan sát khi ba mẹ thủ thỉ trò chuyện với bé. Bé sẽ nhanh đói và muốn ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể. 

Lúc này bé đã cứng cáp hơn, ba mẹ tập vận động cho bé nhiều bằng bài tập nằm sấp để nâng cao sức bền cho bé. Việc tắm rửa và vệ sinh nên duy trì 2 – 3 lần/ tuần để giữ bé sạch sẽ, không bị vi khuẩn tấn công. 

Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

2. Chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

Khi được 2 tháng tuổi, ba mẹ sẽ thấy thời gian bé ngẩng đầu khi nằm sấp kéo dài hơn. Bé có xu hướng thả lỏng các ngón tay thay vì nắm chặt như tháng đầu tiên. Bé có thể tự chơi đùa với ngón tay và bắt đầu phát ra các âm thanh ọ ẹ. Bé thích được chơi đùa với ba mẹ và có phản ứng mỉm cười. 

Thời điểm này bé sẽ bú nhiều hơn và cữ bú cũng kéo dài hơn khoảng 10 – 15 phút/ lần. Trung bình 3h cho bé bú một lần. Đây là thời điểm ba mẹ có thể rèn thói quen cho bé, bao gồm thói quen bú và tập cho trẻ nằm một mình. Không nên ẵm bế trẻ quá thường xuyên hoặc ngay lập tức dỗ dành, lắc lư khi thấy bé quấy khóc.

Lúc này bé đã có thể học thói quen phản xạ có điều kiện nên nếu ba mẹ muốn rèn luyện tính tự lập cho bé thì nên áp dụng cho bé tự nằm một mình. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn đảm bảo theo dõi thường xuyên, không nên để bé khóc quá lâu.

3. Chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi

Bé được 3 tháng tuổi có phản xã nhìn tốt, biết xoay đầu để nhìn theo đồ vật. Có thể nắm đồ vật bằng cả bàn tay. Bé thích được nói chuyện với ba mẹ nhiều hơn và phản hồi với những tiếng bi bô, cười đùa vui vẻ.

Thời gian này bé sẽ ngủ 1 – 2 lần vào buổi sáng. Trung bình ngày bú 6 cữ sữa, mỗi cữ khoảng 100 – 120ml. Ba mẹ chú ý cho con bú theo nhu cầu và quan sát biểu hiện của con thay vì quá cứng nhắc về tần suất và lượng bú. 

Cho trẻ bú lượng sữa phù hợp

Cho trẻ bú lượng sữa phù hợp và nhiều cữ trong ngày

4. Chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi có thể chống tay, dùng lực khủy tay để nâng người lên khi đặt nằm sấp. Trẻ có thể tự với tay và cầm chắc trong lòng bàn tay. Nhu cầu bú sữa của bé gần như tháng thứ 3, có thể tăng thêm lượng bú tùy vào thể trạng của mỗi trẻ.

Lúc này, ba mẹ dành nên thời gian chơi đùa với trẻ, giáo dục cho trẻ bằng cách làm quen với âm nhạc và màu sắc để kích thích sự tò mò ở trẻ. Bé 3 – 4 tháng tuổi ba mẹ có thẻ thoải mái tắm thả bồn cho trẻ để giúp con cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn.

5. Chăm sóc trẻ sơ sinh 5 tháng tuổi

Trẻ được 5 tháng tuổi thường sẽ biết lật người và lăn qua lăn lại. Trẻ biết chuyền đồ vật từ tay này sang tay kia và đưa tay về hướng ba mẹ. Trẻ bắt đầu biết quấy khóc nếu nhận thấy không có ba mẹ ở gần để đòi hỏi sự có mặt của ba mẹ. 

Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh tháng thứ 5 có sự đặc biệt khi ba mẹ cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Thời điểm bắt đầu ở mỗi trẻ khác nhau, tùy theo thể chất và nhu cầu của từng bé. Mỗi ngày ba mẹ chỉ nên cho con thử 1 2 thìa thức ăn dặm để con làm quen. Đây cũng là lúc nhiều em bé bắt đầu mọc răng nên sẽ dễ bị sốt, quấy khóc, khó chịu,..

Bé 5 tháng tuổi đã bắt đầu chú ý đến âm thanh kỹ hơn, ba mẹ có thể bắt đầu tập nói các từ cơ bản để dạy trẻ làm quen như ba, mẹ, bà,…

Cho trẻ ăn dặm lần đầu

Cho trẻ ăn dặm lần đầu nên thử 1- 2 thìa loảng

6. Chăm sóc trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi

Trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu biểu hiện những đặc điểm phát triển tâm sinh lý, trẻ thể hiện sự khó chịu hoặc gắt gỏng. Đây là thời điểm ba mẹ bắt đầu áp dụng các phương pháp rèn luyện và giáo dục phù hợp cho trẻ.

Ba mẹ có thể tăng lên thêm về lượng thức ăn dặm mỗi ngày. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, chia thành 3 – 4 cữ bú trong ngày.

Trẻ 6 tháng tuổi có thể học ngồi và biết nhún nhảy thì được đỡ đứng. Trẻ dùng tay vọc các đồ vật xung quanh và thường đưa chúng lên miệng để ngậm. Nên ba mẹ cần chú ý đặt những đồ vật an toàn, vệ sinh trong tầm tay của trẻ. 

7. Chăm sóc trẻ sơ sinh 7 tháng tuổi

Trẻ 7 tháng tuổi đã biết trườn bò đi xung quanh và thích thú khám phá đồ vật. Trẻ biết cách phản hồi người khác qua biểu hiện và cử chỉ. Nhu cầu về năng lượng sẽ tăng lên nên ba mẹ cần chú ý tăng dần lượng sữa cho bé.

Bé 7 tháng tuổi có thể tăng dần độ thô của thức ăn dặm, từ loãng sang đặc. Ngoài cháo, ba mẹ có thể cho trẻ thử nhiều loại thực phẩm như rau, thịt cá,… Ngoài ra, lúc này răng trẻ sẽ mọc nhiều hơn, trẻ dễ quấy khóc và hay sốt. Ba mẹ cần chú ý để trẻ không bị sụt cân vì bỏ bú.

Trẻ 7 tháng tuổi thích trườn bò xung quanh

Trẻ 7 tháng tuổi thích trườn bò xung quanh nên ba mẹ cần chú ý an toàn cho bé

8. Chăm sóc trẻ sơ sinh 8 tháng tuổi

Từ 8 tháng tuổi trẻ có thể chơi một mình và thích tự khám phá đồ vật nhiều màu sắc. Trẻ biết lặp lại các âm thanh được dạy như baba, mama,… và biết vỗ tay khi vui vẻ. 

Lúc này ba mẹ có thể cho trẻ học dùng thìa và cốc khi ăn uống. Ba mẹ có thể cho trẻ ăn dặm với cháo loãng, ngậm các loại rau củ luộc mềm để làm quen hương vị. Mỗi ngày cho trẻ bú sữa từ 3 – 5 cữ. 

9. Chăm sóc trẻ sơ sinh 9 tháng tuổi

Trẻ từ 9 tháng tuổi bắt đầu học bò và thích leo trèo lên các bậc thang, đồ vật cao hơn. Bé sử dụng linh hoạt ngón cái và ngón trỏ để cầm nắm đồ vật. Trẻ thích thú với các trò chơi giấu và tìm đồ vật nhờ khả năng ghi nhớ và thích vận động.

Trẻ từ 9 tháng tuổi bắt đầu phân biết người lạ tốt hơn, nên có thể sợ hãi quấy khóc khi gặp người lạ. Ba mẹ nên chú ý để giúp con bình tĩnh, không bị sợ hãi.

Ba mẹ có thể tập cho bé ăn cơm nát, các loại bánh mềm. Nhu cầu bú sữa có thể tăng hoặc duy trì tùy theo khả năng ăn dặm và nhu cầu của bé.

10. Chăm sóc trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi

Trẻ 10 tháng tuổi biết vịn vào đồ vật để đứng lên và bỏ đồ chơi vào thùng. Ba mẹ nên khuyến khích trẻ vận động để cứng cáp hơn. Trẻ học được các cử chỉ như tạm biệt, hôn gió, vẫy tay,…

Trẻ 10 tháng tuổi ăn dặm đa dạng thực phẩm hơn. Trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi, ba mẹ không nên cho trẻ ăn kẹo, socola, đồ có nhiều đường,… Hãy tập cho con tính kỷ luật trên bàn ăn, ăn đúng bữa và các thói quen tốt khi ăn uống cho bé.

tập cho trẻ thói quen tốt khi ăn uống

Ba mẹ tập cho trẻ thói quen tốt khi ăn uống

11. Chăm sóc trẻ sơ sinh 11 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh 11 tháng bắt đầu biết đi và thể hiện sở thích của bản thân. Về ăn dặm, ba mẹ tăng lượng thức ăn và độ thô dần cho bé. Tuy nhiên cần chú ý để trẻ không bị hóc thức phẩm.

Lúc này, ba mẹ có thể tập cho trẻ môi trường suy nghĩ độc lập, quan sát những biểu hiệu của con và nghiêm chỉnh rèn luyện thói quen cho con. Ví dụ như tôn trọng thức ăn, dọn dẹp đồ chơi. Ba mẹ cho trẻ đọc sách có nhiều tranh ảnh, gọi tên để giúp trẻ nâng cao khả năng nhận biết.

Giáo dục trẻ với tranh ảnh

Ba mẹ cho trẻ xem tranh ảnh và học từ mới

12. Chăm sóc trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi

Trẻ đủ 1 tuổi sẽ có thể tập bước những bước đi đầu tiên. Trẻ đã học được cách lật mở các trang sách, biết phối hợp với ba mẹ khi được mặc quần áo và ăn uống. Trẻ học nói những cụm từ có nghĩa và hoàn chỉnh. 

Lúc này, ba mẹ tăng dần mức độ độc lập cho trẻ. Ví dụ như để trẻ tự đứng dậy khi vấp ngã, cho trẻ tự xúc thức ăn, tự cất đồ chơi vào thùng,… Đừng quên nói chuyện và dạy con những từ ngữ mới, khuyến khích, cổ vũ con tự nói lên các yêu cầu của mình. 

Hành trình 12 tháng đầu đời của trẻ sơ sinh là một trải nghiệm rất đặc biệt và đáng nhớ của cả ba mẹ và con. PamperMe hy vọng bài viết cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh đã cung cấp cho ba mẹ nhiều thông tin bổ ích và hỗ trợ ba mẹ trong hành trình nuôi con.

5/5 - (1 đánh giá)
Bài viết liên quan

Nhận tư vấn

Leave this field blank
PamperMe Vành Đai Trong
PamperMe Vành Đai Trong
Điều gì làm PamperMe đặc biệt