Những năm gần đây, phương pháp Montessori nổi lên như một lựa chọn yêu thích của các ông bố bà mẹ hiện đại, đặc biệt là những ba mẹ đang quan tâm đến giáo dục sớm cho con yêu của mình. Đây được đánh giá là một phương pháp giáo dục khoa học, hiện đại và hoàn thiện mang lại nhiều tiến bộ đáng kể trong giáo dục mầm non. Vậy Montessori là gì? Điều gì khiến phương pháp này được lựa chọn để giáo dục cho trẻ nhiều đến như vậy?
1. Phương pháp Montessori là gì?
Phương pháp giáo dục Montessori được đặt theo tên của nhà giáo dục học, nhân văn học người Ý – Maria Montessori. Đây là phương pháp giáo dục sớm lấy “trẻ làm trung tâm” để làm nền tảng cơ sở, chú trọng khai thác tiềm năng của trẻ, nhưng không áp đặt trẻ. Bố mẹ/giáo viên chỉ quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ khả năng tự phát triển của trẻ vì phương pháp cho rằng mỗi trẻ từ khi sinh ra đã có khả năng tự học tuyệt vời.
Với phương pháp Montessori, trẻ sẽ được tự do phát triển tư duy, kích thích sáng tạo, khám phá tiềm năng và rèn luyện bản thân thông qua một môi trường học tập thân thiện và giáo cụ chuyên nghiệp. Đây là sẽ là nền tảng giúp trẻ trở thành những công dân độc lập, tích cực, tự tin, giao tiếp hiệu quả, và có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Tham khảo thêm: Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh
2. 5 lĩnh vực phát triển của chương trình giáo dục Montessori
2.1. Thực hành đời sống
Mục tiêu của phương pháp Montessori trong lĩnh vực thực hành đời sống này chú trọng giúp trẻ làm quen, thực hiện các thói quen, thao tác sinh hoạt cá nhân một cách chủ động, tự lập và gọn gàng. Từ đó, bé sẽ có nhận thức về bản thân và xung quanh nhiều hơn, biết giúp đỡ người khác.
Ở hoạt động này, trẻ sẽ được thực hành những việc quen thuộc như mặc/cởi quần áo, gấp quần áo, buộc dây giày, chuẩn bị đồ ăn, tập vở,… hay những thao tác vệ sinh lau bàn, ghế, kệ, quét nhà, tưới cây, nhặt lá…
Những bài học này sẽ hình thành cho con tính độc lập, tăng cường khả năng phối hợp, nâng cao nhận thức của bản thân.
2.2. Rèn luyện giác quan
Phương pháp Montessori cho trẻ 0 – 6 tuổi giúp trẻ rèn luyện, phát triển thành thục các giác quan. Các bài học trong lĩnh vực này giúp bé kết hợp 5 giác quan trong quan sát sự vật, thế giới xung quanh, đưa ra so sánh, suy luận, phân tích và đưa ra các kết luận có tính logic thông qua các giáo cụ trực quan sinh động.
Phát triển giác quan sẽ giúp trẻ dễ dàng thích ứng với mọi tình huống, hỗ trợ việc khám phá và học hỏi trở nên nhanh nhạy và hiệu quả hơn.
2.3. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện, linh hoạt về tư duy cho của trẻ. Montessori khuyến khích trẻ bày tỏ, giới thiệu, thể hiện bản thân nhiều bằng lời nói, hướng dẫn trẻ nhận biết mặt chữ qua các hoạt động tô chữ, ghép thẻ thành câu, ghép thẻ theo tranh…Đó sẽ là nền tảng hỗ trợ khả năng đọc- viết sau này của trẻ.
2.4. Toán học
Tiếp cận toán học trong phương pháp học Montessori trẻ được làm quen với số học, khái niệm thứ tự qua nhận biết về lượng khi ghép ảnh với số, thực hiện các phép tính đố vui đơn giản…Từ đó bé sẽ được nâng cao khả năng tư duy logic, tập trung và giải quyết vấn đề.
Tìm hiểu thêm: Cách giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh giúp bé phát triển toàn diện
2.5. Văn hóa và khoa học xã hội
Không chỉ có thể, dạy con theo phương pháp Montessori bé còn được tiếp cận những kiến thức về địa lý, văn hóa, khoa học đời sống thông dụng gần gũi qua các bài học đơn giản sinh động kết hợp giáo cụ trực quan. Montessori khuyến khích các bậc bố mẹ hay giáo viên kết hợp thực tế song song với kiến thức như các hoạt động ngoài trời, ngoại khóa… giúp bé học và nhớ nhanh hơn qua những trải nghiệm mới mẻ.
3. Ưu điểm của phương pháp giáo dục Montessori là gì?
Hiểu rõ những ưu điểm của phương pháp giáo dục Montessori, các bậc phụ huynh có thể đánh giá được tính hiệu quả và lợi ích của phương pháp này:
Phương pháp Montessori với nhiều ưu điểm vượt trội mang đến nhiều lợi ích toàn diện cho trẻ:
- Giúp trẻ sớm khám phá được tài năng của bản thân: Với phương châm của phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, trẻ được chủ động khám phá, tự do sáng tạo theo sở thích và mong muốn…từ đó bộc lộ được năng khiếu và khả năng của bản thân.
- Rèn luyện tính độc lập cho trẻ ngay từ nhỏ: Với các chương trình của Montessori, trẻ dễ dàng trở nên chủ động, tự tin với bản thân và độc lập trong suy nghĩ và hành động.
- Phát triển trí thông minh: 5 lĩnh vực chính của Montessori mang đến lượng kiến thức đa dạng, phong phú cho trẻ, giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng cũng như lối tư duy logic
- Cải thiện trí nhớ ở trẻ: Tự học chính là cách hỗ trợ tăng khả năng tư duy và tăng cường trí nhớ hiệu quả, bởi trẻ sẽ ghi nhớ rất tốt khi được tự khám phá thế giới xung quanh
- Bồi dưỡng tính cách tốt cho trẻ: Qua các hoạt động của phương pháp, trẻ sẽ dần hình thành tính tự giác, ham thích học hỏi, chủ động giải quyết vấn đề và hòa đồng với mọi người…
4. Nhược điểm của phương pháp học Montessori
- Chi phí cao: Các tài liệu, giáo cụ, đồ chơi chất lượng và đúng tiêu chuẩn của phương pháp Montessori và giáo viên hướng dẫn có chuyên môn có chi phí khá cao. Đó là lý do đa số các trường mầm non theo phương pháp Montessori chuẩn thường có học phí khá cao, không phải gia đình nào cũng đủ khả năng theo đuổi.
- Các chương trình học của Montessori hiện nay có nhiều biến thể. Các bố mẹ nên nắm rõ phương pháp và tìm hiểu thật kỹ trước trường lớp nếu muốn cho con theo học phương pháp này.
- Độc lập không phải lúc nào cũng tốt: Phương pháp giáo dục sớm Montessori đề cao và rèn luyện sự tự lập của một đứa trẻ. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng tốt, nếu trẻ quá tự lập, đôi khi trẻ sẽ gặp khó khi làm việc nhóm hoặc sẽ khá cứng nhắc khi lớn hơn.
- Cấu trúc lớp học tự do có thể sẽ gây bối rối cho trẻ khi chuyển qua các cấp học cao hơn, yêu cầu quy củ hơn với phương pháp truyền thống…
5. Nguyên tắc áp dụng phương pháp Montessori cho trẻ 0 – 6 tuổi
Để dạy con theo phương pháp Montessori một cách hiệu quả, các bố mẹ cần ghi nhớ những nguyên tắc vàng của phương pháp như sau:
5.1. Tôn trọng và không áp đặt trẻ
Nguyên tắc cực kỳ quan trong phải được nhắc đến đầu tiên chính là phải tôn trọng trẻ. Trong những lớp học của Montessori, trẻ luôn được tự do hoạt động, học tập theo mức độ phát triển và mong muốn của mình.
Nếu cha mẹ cố gắng hướng trẻ theo suy nghĩ và mong muốn của mình chính là đang đi ngược với phương pháp, khiến trẻ cảm thấy áp lực và thiếu đi sự chủ động và tự tin ở trẻ. Chính vì thế, hãy để trẻ thoải mái khám phá thế giới, học hỏi theo cách riêng của con, miễn là trong phạm vi an toàn. Ở phương pháp Montessori, trẻ được tự do khám phá thế giới
5.2. Học đi đôi với thực hành
Cách tốt nhất giúp các con ghi nhớ và vận dụng tốt những kiến thức đã học là để trẻ tham gia vào các hoạt động thực tế. Do đó, phương pháp giáo dục Montessori chỉ hướng dẫn cách thực hiện các nhiệm vụ và trẻ sẽ tìm cách tự thực hiện chúng.
Trẻ sẽ được trải nghiệm rất nhiều kỹ năng thực tế như tự thay đồ, để giày đúng nơi quy định, tự rót nước,vệ sinh chân tay, tự ăn uống, hay lau bàn, tưới cây… Ngoài ra, trẻ cũng được giáo dục một số thói quen tốt trong cuộc sống như xếp hàng chờ đến lượt, biết lắng nghe người khác… Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ trở nên tự tin, chủ động và tích cực hơn trong cuộc sống tương lai.
5.3. Môi trường học thân thiện, không trừng phạt không phần thưởng
Thông thường, các cha mẹ luôn theo đuổi quy tắc dùng phần thưởng để khen ngợi con khi đạt được thành tích và hình phạt nếu con phạm lỗi. Tuy nhiên khi dạy con theo phương pháp Montessori, môi trường học sẽ không theo hình thức này và phải được tạo ra thật thân thiện, tích cực.
Ở Montessori, nếu trẻ làm sai, bố mẹ hãy bình tĩnh minh họa lại cách thực hiện đúng và động viên, khích lệ con cố gắng hoàn thành đúng. Bố mẹ chỉ cần giúp trẻ nhận thức những việc chưa đúng và giúp trẻ sửa lại, đồng thời ghi nhận sự cố gắng của trẻ.
5.4. Không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ
Sự tập trung giúp trẻ tư duy và ghi nhớ tốt hơn. Vì thế, bố mẹ không nên xen vào khi trẻ đang say mê chơi một món nào đó khi không có yếu tố nào đặc biệt. Đây là lúc trẻ đang tập trung tìm hiểu và nghĩ ra những cách chơi của riêng mình, cũng như có thể tự giải quyết những vấn đề gặp phải trong khi chơi.
5.5. Thiên nhiên luôn truyền cảm hứng cho trẻ
Theo Giáo sư Montessori, tương tác với thiên nhiên sẽ giúp trẻ nhận thức thực tế và thực hành tốt hơn. Các hoạt động ngoài trời và ngoại khóa với không khí trong lành luôn được khuyến khích trong các chương trình Montessori.
5.6. Bố mẹ và giáo viên là người hỗ trợ, đồng hành
Phương pháp học Montessori luôn lấy trẻ làm trung tâm của mọi hoạt động giáo dục, trẻ được tự do lựa chọn học tập và phát triển theo tốc độ riêng của mình. Bố mẹ và giáo viên chỉ là người đồng hành, khuyến khích, hướng dẫn trẻ khai thác được tiềm năng của mình một cách tự nhiên
6. Sự khác biệt giữa cách dạy con theo phương pháp Montessori và Steiner
Montessori và Steiner là 2 phương pháp giáo dục hiện đại, hiệu quả cao trong việc giáo dục sớm cho trẻ. Hãy cùng xem 2 phương pháp có điểm chung hay khác biệt nào không nhé!
6.1. Điểm tương đồng của hai phương pháp:
– Trẻ em là trung tâm: trẻ được tự do lựa chọn và phát triển, giáo viên/bố mẹ chỉ có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ
– Kích thích phát triển toàn diện của trẻ về khả năng sáng tạo, các kỹ năng cá nhân,xã hội, tính độc lập tự chủ
– Môi trường học tập thân thiện, không thưởng- phạt, không áp lực thành tích.
6.2. Các điểm khác nhau của phương pháp Montessori và Steiner
Trong mục tiêu giáo dục:
- Montessori: Trẻ luôn là trung tâm của các hoạt động giáo dục để có phát huy tối đa tiềm năng của trẻ thông qua những giáo cụ phù hợp với nhu cầu và tốc độ phát triển của mỗi trẻ
- Steiner cũng đặt trẻ làm trung tâm nhưng chú trọng cân bằng học tập song song với phát triển thể chất, tâm hồn của trẻ.
Chương trình học:
- Đối với phương pháp Montessori thì các lớp học dành cho đa dạng độ tuổi cùng sự phong phú về giáo cụ ở nhiều lĩnh vực… Nhớ vậy, trẻ được kích thích khả năng chủ động khám phá, độc lập tìm hiểu, học hỏi.
- Trong khi đó Steiner tập trung kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ trong các hoạt động thực tế, thủ công, ngoại khóa. Học trong lúc chơi, vui chơi một cách giáo dục và sáng tạo.
Môi trường giáo dục:
- Montessori: Thông qua các giáo cụ trực quan sinh động, trẻ sẽ có những kiến thức về thực tế, xã hội.
- Còn phương pháp Steiner thì sử dụng đồ chơi, các công cụ học tập là phương tiện rèn luyện tính sáng tạo, trí tưởng tượng rộng lớn cho bé. Ví dụ với 1 món đồ chơi, bé sẽ là người tự tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách thức chơi hay mục đích sử dụng khác nhau tùy vào khả năng tưởng tượng của mỗi bé.
Bài viết trên đây của PamperMe đã giới thiệu những thông tin tổng quát và căn bản nhất về chủ đề “Montessori là gì”. Có thể thấy, Montessori là một phương pháp giáo dục sớm cho trẻ hiệu quả, phổ biến nhất hiện nay tại nước ta. Với những bậc cha mẹ đang mong muốn cho con theo đuổi phương pháp này, hi vọng rằng những thông tin trên sẽ cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn và có thể áp dụng thật hiệu quả và tốt nhất cho con mình nhé!